TRƯỜNG THCS KIẾN QUỐC
TỔ THƯ VIỆN
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 09/2024
TÊN SÁCH GIỚI THIỆU:"THỜI THANH NIÊN CỦA BÁC HỒ"
SĐKCB: SHCM - 00014
Kính thưa các thầy cô giáo, cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Tôi đã đọc “Thời thanh niên của Bác Hồ” với một niềm tin yêu mãnh liệt dành cho Người. Càng đọc tôi càng thấy học tập được nhiều điều ở người thanh niên yêu nước đến cháy bỏng. Có thể nói tình yêu của Người dành cho đất nước to lớn đến bao nhiêu thì tình yêu của tôi dành cho Bác cũng to lớn bấy nhiêu. Hòa trong tình yêu thương và kính trọng Bác là suy nghĩ và hành động làm sao cho đẹp hơn, cho xứng đáng hơn khi được là công dân Việt Nam được là con cháu Bác Hồ. Nung nấu trong tôi một điều là phải lan truyền những cuốn sách như thế này đến với thế hệ trẻ ngày càng nhiều hơn. Sách do tác giả Hồng Hà chắp bút và được nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản vào năm 2005. Sách in trên khổ 13x19 gồm 155 trang. Kể về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Người rời Nghệ An vào Huế. Kinh thành Huế đối với chàng thanh niên 18 tuổi có bao nhiêu vẻ đẹp làm anh phải suy nghĩ. Tại đây anh đã được thầy Hoàng Thông dạy Hán văn. Thầy thường tâm sự với các học trò: “Nước mất không phải là mất một họ riêng nào. Nước mất thì cả dân tộc bị diệt vong”. Anh còn được thầy Lê Văn Miến kể chuyện về nước Pháp cho nghe: “Người Pháp ở Pháp khác với người Pháp ở thuộc địa…Ở Pháp có nhiều thư viện có các loại sách nói về các cuộc cách mạng trên thế giới”. Rời Huế, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Bình Định. Anh luôn nhớ lời cha: “Muốn làm được việc, người ta phải có chí”. Thanh niên phải có chí. Làm thế nào để dân mình thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân? Nguyễn Tất Thành muốn đi sang Pháp và các nước Phương Tây để xem họ làm thế nào rồi về giúp đồng bào. Anh đi học tiếp tại trường Tiểu học Pháp – bản xứ ở Quy Nhơn, theo chương trình cao đẳng niên khóa 1909-1910. Anh miệt mài học thêm tiếng Pháp và tìm hiểu phong tục, tập quán, tình hình nước Pháp và Châu Âu. Vào lúc ấy, do Nhật câu kết với Pháp trục xuất người Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Chí sĩ Phan Bội Châu phải chạy sang Trung Quốc và Thái Lan lánh nạn, đánh dấu sự tan rã của phong trào Đông Du. Tại bờ biển Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành đã thuộc về một thế hệ thanh niên yêu nước mới với tư duy và hoài bão mới…Nguyễn Tất Thành chia tay người cha thân yêu tại Bình Định và bắt đầu cuộc sống tự lập. Anh đi Sài Gòn, bến cảng có nhiều tàu biển đi Pháp. Trên đường đi, anh dừng chân ở Phan Thiết. Hết tiền, anh phải xin vào dạy học tại trường Dục Thanh. Người thầy giáo 21 tuổi ấy hăm hở truyền bá cho học sinh không những kiến thức văn hóa mà cả tư tưởng yêu nước. Rời trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn. Lúc đầu, anh định học nghề 3 năm. Nhưng chỉ sau 3 tháng, người thanh niên ấy đã lên tàu rời bến cảng Nhà Rồng đi Singapore trên đường đi sang Pháp với tên mới, Văn Ba. Hôm ấy là ngày 5 tháng 6 năm 1911. Ngày 6/7 tàu cặp cảng Mác xây. Đây là đất Pháp mà anh lần đầu tiên trong thấy và đặt chân lên, nơi đầu tiên trong đời anh thấy có người Pháp gọi anh bằng ông. Năm 1912, anh rời Pháp đi sang Mỹ, nơi sinh ra bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776. Nhưng anh nhanh chóng nhìn thấy phía sau tượng thần Tự Do là tội ác man rợ của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Cuối năm 1913, anh rời Mỹ sang Anh vào lúc nước này đang ở thời kì cường thịnh nhất. Anh lên Bộ kiếm việc làm. Để sống giữa mùa đông giá rét không đủ quần áo ấm, anh phải đi cào tuyết cho một trường học. Hai ngày sau phải chuyển sang nghề đổ than, xúc than trong hầm tối cho một nhà người Anh. Tiền công rẻ mạc, anh vẫn dành dụm để có tiền đi học thêm tiếng Anh. Người thanh niên ấy có chí lớn và có nghị lực lớn để rèn luyện mình và vươn tới. Từ lúc lênh đênh trên biển hàng tháng trời hoặc lao động trên đất Mỹ, anh bao giờ cũng giữ phong cách một người Việt Nam chân chất, hồn hậu, không nói tục, không say rượu, không đánh bạc và bao giờ cũng dành thì giờ đọc sách báo, học hỏi thêm. Anh biết hòa trong quần chúng và trong cuộc sống xã hội, nhưng anh biết gạn lọc tiếp thu cái hay, loại ra cái xấu. Nguyễn Tất Thành trở lại Pari với tên gọi mới: Nguyễn Ái Quốc. Năm 1918, anh Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên được kết nạp vào Đảng xã hội Pháp. Mùa đông đầu tiên sau chiến tranh thế giới ở Pari hết sức khắc nghiệt. Lần đầu tiên trong đời anh Nguyễn hòa mình vào cuộc đấu tranh của Đảng xã hội và công đoàn Pháp. Nhưng số phận đồng bào và Tổ quốc anh sau chiến tranh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của anh. Anh muốn tố cáo với mọi ngưởi khắp mọi nơi tội ác của chủ nghĩa thực dân và những sự bất công tày trời ở Việt Nam. Anh đã tìm ra vũ khí để làm điều ấy. Vũ khí ấy là ngòi bút. Nhưng anh viết bằng tiếng Pháp chưa thạo. Anh tự bảo mình phải học viết cho kì được. Anh Nguyễn tập viết báo bằng tiếng Pháp từ 3 đến 5 câu rồi viết một đoạn. Anh viết về những chuyện thật xảy ra ở Việt Nam và các thuộc địa khác, những chuyện mà bạn đọc không bao giờ biết. Anh tổ chức giữa Pari nhiều cuộc họp để giới thiệu bản yêu sách và tuyên truyền việc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Việt Nam. Buổi sáng mùa hè năm 1920, cầm trên tay văn kiện của Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc thấy bừng lên một ánh sáng mới. Anh được cử đi dự Đại hội Đảng Xã hội lần thứ 18 họp tại thành phố Tua vào dịp Nôen. 2 giờ 30 phút sáng 30-12-1920, anh Nguyễn cùng phe đa số ở lại quyết định thành lập Đảng cộng sản Pháp, một phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản. Giờ ấy xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc. Giờ ấy, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chính thức đến với chủ nghĩa Lênin. Tháng 6 năm 1921, theo đề nghị của anh Nguyễn, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp lập ra Ban nghiên cứu thuộc địa. Anh Nguyễn được cử làm nhóm phụ trách ban này gồm một số đảng viên từng ở thuộc địa và am hiểu thuộc địa. Anh Nguyễn học ở Lênin cách sử dụng một vũ khí vô cùng quan trọng là báo chí và anh thấy đã đến lúc phải ra báo để làm công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tập thể trong nhân dân các thuộc địa. Đúng ngày 1-4-1922, số đầu tiên báo Người cùng khổ ra mắt bạn đọc. Là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo, anh Nguyễn Ái Quốc gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương và anh lãnh trách nhiệm bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa không chỉ riêng của nhân dân Việt Nam mà của nhân dân các thuộc địa. Ngày 30-6-1923, anh Nguyễn đã đặt chân an toàn lên đất nước của Lênin. Một thời kì hoạt động mới đến với anh và cùng với anh, cách mạng Việt Nam cũng sang trang mới. Tác giả Hồng Hà đã kể lại thời thanh niên của Bác Hồ với một giọng điệu chân thành mà sâu sắc. Người đọc sẽ học được rất nhiều điều về người thanh niên ưu tú của đất nước khi đọc xong cuốn sách này. Riêng đối với bản thân tôi, sau khi đọc xong cuốn sách thì tình yêu và niềm tin mãnh liệt về Bác về sự thành công của cách mạng Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi ước mong sẽ truyền tải được những điều từ trang sách đến với thế hệ trẻ hôm nay, những người chủ của đất nước trong tương lai, để các bạn biết rằng thời thanh niên của Bác đã sống, học tập và lo nghĩ cho đất nước đến như thế nào? Đến đây tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên trong “Người đi tìm hình của nước”: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biết quê nhà Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” Xin mượn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để kết luận bài viết này: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn về những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự vẻ vang của giống nòi, và vì hạnh phúc của nhân dân.”
Các thầy giáo, cô giáo và các bạn HS có thể dùng những khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để tìm đọc ngay cuốn sách này. Cuốn sách nằm trong tủ sách Hồ Chí Minh số đăng kí cá biệt SHCM-00014 tại thư viện Nhà trường. Rất mong các thầy, cô giáo và các bạn đón đọc.
Xin kính chúc các thầy, cô giáo bước vào năm học mới luôn mạnh khoẻ, công tác tốt. Chúc các bạn HS chăm ngoan, học giỏi…
Kiến Quốc, ngày 12 tháng 9 năm 2024.